Media

Vietnam Silk House và giấc mơ lụa Việt đưa việt nam ngang tầm quốc tế

  • Thứ hai, 10:03 Ngày 25/11/2019
  • Những người làm tơ lụa thực sự ở Việt Nam bỗng nhiên bị đẩy vào cảnh điêu đứng bởi sự quay lưng của khách hàng trên thị trường nội địa và cả thị trường xuất khẩu.

    Trước bối cảnh đó, những người yêu tơ lụa Việt, luôn trăn trở để làm sống lại nghề tơ lụa Việt; những người sản xuất và những người muốn đưa sản phẩm tơ lụa của Việt Nam đi khắp thế giới, đến cả những thị trường thời trang cao cấp, đắt đỏ nhất như Milan hay Paris đã hợp nhau lại.

    Đó là những Huỳnh Tấn Phước – Giám đốc Cty Tơ tằm Nhật Minh; Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh; Hà Thị Hoa – Giám đốc Cty Xe tơ dệt lụa Hà Bảo… Họ cùng liên kết để tạo dựng lên một thương hiệu là Vietnam Silk House vào tháng 11.2017.

    Vietnam Silk House có chức năng quảng bá cho lụa tơ tằm Việt Nam nhiều hơn là kinh doanh tơ lụa, do đó Vietnam Silk House được thiết kế vừa trưng bày tơ lụa, vừa có những tư liệu, mô phỏng để khách hàng hiểu hơn về lụa Bảo Lộc và lụa Việt Nam.

    Tin tưởng rằng “Ký ức Hội An” sẽ trở thành đặc sản trong thực đơn du lịch của thế giới, biết được ý tưởng dựng lại những làng nghề truyền thống của Quảng Nam tại Công viên Văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, nhà thiết kế Minh Hạnh - người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới đã giúp kết nối với Bảo Lộc Silk để thiết lập mô hình Vietnam Silk House với các quy trình từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và trưng bày thành phẩm tại Công viên.

    Từ Bà chúa Tằm Tang…

    Quảng Nam nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Đặc biệt là vùng Duy Xuyên với làng lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là làng nghề có từ thế kỳ thứ 16, gắn liền với chuyện tình rất đẹp giữa cô thôn nữ hái dâu Đoàn Thị Ngọc và chúa Nguyễn Phúc Lan trong một đêm trăn bên bờ sông Thu Bồn.

    Họ kết duyên và khi chúa Nguyễn Phúc Lan lên ngôi, bà được phong là Đoàn Quý Phi, sau là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu là mẫu hậu của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.

    Khi đã là vợ chúa, Đoàn Quý Phi vẫn nhớ và giữ nghề xưa và đã góp công sức lớn trong việc khuyến khích nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của quê mình phát triển cực thịnh hồi thế kỷ 17.

    Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đến Hội An vào cuối năm 1624 đã nhận xét: "Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền".

    Từ thương cảng Hội An lúc đó đang sầm uất, lụa của xứ Đàng Trong đã theo “con đường tơ lụa trên biển” nổi tiếng thời bấy giờ đi khắp thế giới. Hàng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa. Do đó mà dân chúng trong vùng suy tôn Đoàn Quý Phi là Bà chúa Tằm Tang.

    Trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Mã Châu đều dệt lụa, hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng nghìn ha trải dài dọc sông Thu Bồn. Tuy nhiên, tiếng thoi ở làng lụa Mã Châu bắt đầu thưa dần từ những năm 2000 vì nhiều lý do và đỉnh điểm là giữa năm 2017, HTX tơ lụa Mã Châu giải thể vì thua lỗ…

    Hiện làng lụa Mã Châu chỉ còn duy nhất ông Trần Hữu Phương – truyền nhân thứ 18 của làng lụa còn trụ lại với nghề với việc thành lập Công ty TNHH Mã Châu nhận trồng dâu, nuôi tằm trên diện tích hơn 2ha, quy tụ các nghệ nhân để phục hồi lại nghề lụa theo phương pháp thủ công truyền thống.

    Với vùng nguyên liệu tốt, Lụa Mã Châu có thể cung cấp một phần nhỏ lụa thành phẩm cho thị trường tiêu dùng và du lịch Quảng Nam, Hội An; cung cấp tơ cho Bảo Lộc.

    Khó khăn của Mã Châu là công nghệ dệt hiện đại, thương hiệu và đầu ra. Trong khi, để xây dựng được một thị trường lụa cần có sự kết nối của các thương hiệu thời trang, nhà sản xuất với công nghệ cao (dệt/in), nhà ươm tơ và vùng trồng dâu nuôi tằm. Nếu chỉ có khả năng ở 1 khâu thôi thì chưa đủ.

    Không gian trưng bày lụa Việt – Viet Nam Silk House ở Công viên Văn hóa Chủ đề Ấn tượng Hội An được sắp đặt trên diện tích hơn 200m2 bao gồm khu vực nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa và gian hàng trưng bày sản phẩm. Sắp tới, khi khu làng Việt Nam hoàn thành, sẽ có diện tích hơn 500m2 cho cánh đồng dâu.

    Du khách không chỉ được ngắm các sản phẩm, chạm tay vào sự mềm mại của lụa là mà còn được nghe các nghệ nhân đến từ làng Lụa Mã Châu giới thiệu về quy trình, kỹ thuật của từng công đoạn từ nuôi tằm đến xe tơ, dệt vải.

    Đối với những du khách quen dùng hàng hiệu sẽ thấy gần như không có khoảng cách giữa những sản phẩm lụa 100% của Vietnam Silk House và các thương hiệu quốc tế như Hermes, Chanel hoặc Dior. Từng đường kim mũi chỉ chỉn chu, các họa tiết in công nghệ cao sắc nét, tinh tế.

    Bài viết liên quan